Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

PHÙ DU



Đôi Lời




                 Xếp lại chồng bản thảo trên bàn, trước mắt tôi vẫn còn hiện lên như in những hình ảnh: những cô cậu sinh viên hồn nhiên, trong sáng, những kỹ niệm của tuổi học trò thơ mộng.  Rồi sau đó, là dòng thác lũ của cuộc đời cuốn trôi tất cả về mọi hướng: Hạnh phúc, Đỗ vỡ, Thành công và Thất bại… cùng những cảnh ngộ trái ngang.
          Cái gì đã làm cho Hiệp, một thanh niên đầy hứa hẹn, đã nắm được hạnh phúc rồi đánh tuột cả hạnh phúc đích thực, lao theo thứ ánh sáng huyền hoặc ma quá của cuộc đời, để rồi sống kiếp phù du.
          Hiệp đã cố tìm một hạnh phúc nhưng chẳng bao giờ có hạnh phúc.
          Còn Ngọc Hiếu, cô gái xinh tươi, suốt cuộc đời làm một người trung hậu; một con người đẹp cả hình thức cho đến tấm lòng, cớ sao phải kéo lê cảnh khổ đau ?
          Đâu là chân lí sống để được trọn vẹn ?
          NGC HI đặt ra cho chúng ta – người đọc – bộn bề câu hỏi ấy trong tác phẩm. Phù Du có phải chăng chỉ đơn giản hiểu – là một loài côn trùng nhỏ, có đôi cánh mỏng, sống rất ngắn ngủi và kết thúc cuộc đời bằng cách lao vút vào vùng ánh sáng đèn mà chết – như lời truyện qua miệng bé Hồng Vinh ở đoạn kết. Ngọc Hải muốn nhắn gửi đến người đọc cái gì sâu xa hơn kia … về một vấn đề triết lí, về đời người, về cuộc sống của con người ?

         Lần đầu tiên đến với bạn đọc, NGC HI đã có những cố gắng lớn. Liền sau PHÙ DU, tác giả đã hoàn thành bản thảo thừ hai và đang khởi viết bản thảo thứ ba với đầy tâm huyết.  Mong từ PHÙ DU, NGC HI sẽ đến với bạn đọc với những tác phẩm sâu hơn, giàu giá trị, và đẹp hơn như chính tên cô – những hạt ngọc của biển khơi./.

                                                         04 – 91

                                               NGUYN XUÂN AN


                                                                 MT


                   HOÀNG LAN ĐÃ HÓA TRANG XONG, CÔ TÁCH KHỎI đám đông bạn bè, chạy ùa ra cổng trường.  Cũng là lúc chiếc SUZUKI đỗ xịch trước mặt. Hoàng Lan xuất hiện trước hai thanh niên trong chiếc áo sơ-mi trắng, chiếc quần tây cũng trắng bó sát người. Trông cô càng khỏe và xinh đẹp như một đóa Quỳnh vừa hé.  Hoàng Lan nhoẻn cười, reo lên:
            -    May quá! Hai anh đã đến. Em chỉ sợ ra đây phải đợi lâu, muộn mất. Bảy giờ rồi, tụi em sắp lên sân khấu.
             Hai thanh niên bước xuống xe. Đạt dắt chiếc Suzuki, nói:
            -    Sáu giờ hai mươi từ nhà anh vào trường, thằng Hiệp còn ngoài sân bóng. Anh phải đợi nó tắm rửa hơn mười phút. Thôi nhỏ đưa Hiệp vào, anh qua gửi xe đã.
-          Anh tư dẫn xe vô luôn kí túc xá đi, tụi em sẽ khóa cửa phòng
Quay sang Hiệp Hoàng Lan vui vẻ:
-          Lần đầu anh Hiệp mới đến trường em, vào đi anh.
Đi theo gót cô bé, Hiệp cười gượng:
             -    Anh xin lỗi Hoàng Lan, không có đồng hồ, anh cứ tưởng còn sớm. Tụi anh làm em mất thời giờ hở? Chương trình thế nào?
             -    Đêm văn nghệ này bọn Trung cấp tụi em định chỉ “cây nhà, lá vườn” thôi. May sao các anh chị hệ Đại Học ở Hà Nội đang thực tập trong này có đóng góp thêm tiết mục. Nếu có gì sơ xuất, các anh đừng cười. Ngành Luật pháp tụi em vốn khô khan, không như khoa Văn các anh đâu.
             -   Thôi đi cô, khéo vẽ. Nếu vậy đã nhiều lần anh gặp Lan, chính anh sẽ không bao giờ nghĩ Lan đang học ngành này.
-          Vì sao ?
-          Vì Lan bao giờ cũng hồn nhiên tươi trẻ, đâu có khô khan.
Sau câu nói của mình, Hiệp bị Hoàng Lan véo vào cánh tay, đau điếng, Lan hét to:
-          Anh chỉ tài nịnh này.
            Đang dẫn xe đi bên cạnh, Đạt kịp nghe tiếng “ôi cha” của Hiệp, cả ba cùng cười. Tiếng cười thật vui, dòn tan như pha lê, làm những người đứng gần phải ngoái lại.

           Không khí trong sân rộn rịp, đầy sắc áo. Họ lục tục kéo vào hội trường, bên cánh phải.  Hoàng Lan khóa cửa phòng xong vội vã đưa hai anh đến đó. Vừa ngang cửa Thư viện, gặp ba bốn cậu quần áo sê-vin chỉnh tề. Một người trong nhóm họ chìa cho Lan viên kẹo chanh:
-          Mời Hoàng Lan, chúc hoa khôi của trường tối nay thành công nha.
             -   Không dám đâu, cảm ơn bạn.  À! Tiết mục của Thành ở đầu hay cuối chương trình vậy? Lan cũng chúc bạn y như thế.
 Người thanh niên tên Thành cười hóm hỉnh:
            -  Tiết mục cá nhân của mình đã bị cắt. Còn  tốp ca thì mở màn ấy.  Giọng “bè trầm” có gì để mà thành công?
             Hoàng Lan nheo mắt, mĩm cười rồi kéo hai anh bước đi; trong khi từ phía sau, Thành còn nói với theo:
-          Hôm nay Hoàng Lan đã có Rô-mê-ô (*)  rồi nha.
            Cả ba vừa bước lên tam cấp hội trường, từ đám đông một cô bé chạy đến nắm tay Hoàng Lan, rối rít:
-          Bồ đi đâu làm ta kiếm muốn bở hơi luôn.
           Cô bé chào Đạt bằng hai tiếng “anh tư” như Hoàng Lan, rồi quay sang Hiệp với cái nhìn lúng túng và tia mắt như ngầm hỏi. Hoàng Lan tiếp lời bạn:
            -   Đây là anh Hiệp, bạn thân cùng lớp với anh tư.  Còn đây là  Thùy Hương, lớp phó lớp em. Tìm mình có gì vậy Hương ?
            -  Chị Hằng bí thư Đoàn trường đề nghị tối nay bồ giới thiệu chương trình đó.
            Hoàng Lan giãy nãy:
            -  Không được đau, để Lệ Quyên đi. Lệ Quyên đang mặc áo dài mà. Mình đã hai tiết mục, đủ đứng tim rồi.
            -  Ý kiến của chị Hằng và cô Phương chủ nhiệm kêu mình đi tìm, báo với Lan đó.
                        -  Thôi được, để mình đi gặp cô Phương và chị Hằng ngay.
            Nói xong, Hoàng Lan đưa Đạt và Hiệp vào hàng fghế thứ ba, sau hàng ghế đại biểu và lãnh đạo trường.
-          Hai anh ngồi ba ghế đi, giữ luôn ghế cho em. Xong phần em sẽ xuống ngay.

            Dứt lời cô bé biến đi. Đèn vẫn sáng, Hiệp nhìn một lượt: từ hàng ghế phía sau trở xuống, người ngồi khá đông. Trên sân khấu, tấm phông màu đỏ thẫm nổi bật dòng chữ trắng: “Kĩ niệm 5 năm ngày thành lập phân hiệu Pháp Lí”.  Vài giây sau, đèn hội trường tắt. Sân khấu chuyển sang đèn màu chấp chới. Ban nhạc bắt đầu trổi lên một bài vui, sôi nổi. Tâm hồn Hiệp thả theo từng nhịp bước hào hùng của những đoàn quân điệp điệp trùng trùng đang “Tiến về Sài Gòn”.
           Ban nhạc chấm dứt, đèn sân khấu bật sáng. Một cô gái áo dài màu hoàng yến, tóc chấm vai, khuôn mặt bầu bỉnh như búp bê bước ra. Cô cúi chào khán giả với nụ cười có hai lúm đồng tiền lõm sâu bên má. Bằng giọng trong và ấm, cô giới thiệu chương trình. Cả hội trường im lặng chăm chú.
-          Vậy ra đây là Lệ Quyên ? Hiệp thốt:
             -  Ngành Luật Pháp toàn những cô thế này, thì làm sao làm việc? Tao thấy y như rằng bên cạnh các cô có túi nước mắt to quá, còn đâu nữa mà ăn với nói. Ngay con bé Hoàng Lan nhà tao xem vậy chứ một cây mít ướt đó.
Đạt nghiêng đầu thì thầm, Hiệp phì cười:
            -   Tao cũng nghĩ, bước chân vô khuôn viên  trường này sẽ gặp toàn những khuôn mặt lạnh ngắt như tiền ấy. Không ngờ…
Mở đầu chương trình văn nghệ, tốp ca nam với bài “Bác cùng chúng cháu hành quân”, có cả cậu thanh niên tên Thành lúc nãy, bọn Hiệp đã gặp ngoài sân. Tuy phong cách biểu diễn không điêu luyện như những ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng các bạn thu hút người xem bằng chính nhiệt tình sôi nổi của tuổi thanh xuân.
Tiết mục thứ hai: Hoàng Lan rất xinh đẹp, nhí nhảnh với nhạc phẩm “Lá xanh”
-          Đúng là Juiliết thời đại.
Tiếng ai đó trầm trồ. Hoàng Lan đã chiếm được cảm tình của mọi người bằng nét trẻ trung tươi mát của mình hơn là giọng hát. Đạt rất mê văn nghệ, anh ngồi theo dõi say sưa.  Có lẽ lúc này trong lòng Đạt cũng dạt dào niềm vui và một chút hãnh diện với bạn bè về sắc đẹp của cô em gái? Ngay lần đầu đến nhà Đạt, Hiệp cũng đã bàng hoàng trước một nhan sắc mà trời vốn dành nhiều ưu ái … của Lan.
Tiếng hát Hoàng Lan lắng dần, nhường cho tràng pháo tay nổ dòn, kéo dài. Cô gái có khuôn mặt “búp bê” nhẹ nhàng trở lại sân khấu, vẫn chiếc áo dài màu vàng nhạt thật duyên dáng:
Kính thưa quí Đại biểu, quí thầy cô và các bạn thân mến!
Để chào mừng kĩ niệm 5 năm ngày thành lập Phân hiệu Pháp Lí, chương trình văn nghệ được giới thiệu tiếp nối với bài hát “Hành khúc Ngày và Đêm” của tác giả Phan Huỳnh Điểu, do Ngọc Hiếu – sinh viên năm thư ba Đại học Pháp Lí Hà Nội trình bày.

Cả hội trường im phăng phắc. Hiệp mĩm cười, nhủ thầm: “Cái tên nghe sao giống quá!”. Tiếp theo tiếng nhạc dạo, từ trong cánh gà vút lên giọng hát: “Rất dài và rất xa là những ngày thương nhớ. Nơi sáng lên ngọn lửa, là trái tim yêu thương… là trái tim thương yêu…”
-          Trời! Giọng miền Nam mày ơi, độc đáo quá.
Đạt nói nhỏ vào tai Hiệp. Sân khấu vẫn đèn màu mờ ảo. Cô gái cầm mi-cơ-rô từ từ tiến ra sân khấu với tà áo dài trắng thướt tha: “Anh đang mùa hành quân, pháo lăn dài chiến dịch. Bồi hồi đêm xuất kích chờ nghe tiếng pháo ran…”

Đèn phô lô bật lên. Một vùng sáng tập trung vào khuôn mặt của người trên sân khấu.
“Ý trời ơi!” Hiệp giật thót, anh không kềm được tiếng kêu thản thốt.  May mà Đạt mãi chú ý người đang trình diễn. Không thể nào lầm được…. Vẫn khuôn mặt đó, mái tóc dài đó, nhất là đôi mắt. Chỉ có điều, chiếc áo dài trắng Ngọc Hiếu mặc hôm nay, không phải là chiếc áp sơ-mi trắng bị rách toạc vai ngày nào.
Sự ngẫu nhiên tình cờ làm cho Hiệp bàng hoàng.  Ra cô ấy học tận Hà Nội ư? Hiệp cắn chặt môi, nén cơn xúc động trào lòng. Như một người bất chợt tìm lại được báu vật của mình sau bao thời gian đánh mất. Nỗi vui, nỗi hồi hộp dâng lên cùng lúc giữa trái tim Hiệp, làm anh bối rối. Hiệp ngồi thừ, tâm hồn anh chơi vơi… chơi vơi… không theo dòng nhạc, mà bềnh bồng về với dĩ vãng…


                                            *
                                         *    *


CHIỀU DẦN.  MỘT CHIẾC XE KHÁCH TỪ TỪ BÒ VÀO BẾN.                  
Bao nhiêu hình ảnh của quá khứ như khúc phim quay chậm đang trôi trong óc Hiệp. Anh buông chiếc xích lô quay ngang, lao đến bên xe. Bằng động tác nhanh nhẹn, Hiệp bỏ xa những người khuân vác “đàn anh” đang tất bật chạy tới. Chính với những động tác nhuần nhuyễn ấy, mà giới khuân vác ở bến xe tỉnh này đã đặt cho anh biệt danh “cá mập”. Hiệp cũng chẳng hổ thẹn gì với biệt danh ấy. Chiếc xe chưa dừng hẳn, Hiệp kéo mạnh cửa:
-          Cô bác nào xuống chợ mới hay về cầu bắc, tôi chở cho.
Đôi mắt Hiệp thao láo nhìn mớ người trên xe giống mớ cá mòi, người ta cố nhét cho đầy hộp. Tiếng động cơ, tiếng người, tiếng súc vật… hòa thành một thứ âm thanh hổn tạp. Hiệp kiên nhẫn đứng nép bên thành xe, nhìn dòng người bước xuống. Ai cũng có nét mặt nôn nóng khó chịu vì bức bối. Anh cố vớy tay đón lấy mớ túi xách cồng kềnh của họ, động tác của Hiệp gắn liền với lời chào mừng đon đả, nhưng mọi người vẫn thản nhiên. Mồ hôi chảy thành dòng xuống mi mắt anh, cay xè. Bỗng Hiệp chụp được chiếc túi du lịch nhỏ, loại giả da. Anh kéo về phía cửa xe. Có tiếng la nhỏ đầy sợ hãi:
-          Chiếc túi của tui, của tui mà.
Hiệp giật mình. Anh ngước nhìn lên. Một cô gái bằng trạc tuổi anh, chiếc túi da căng phồng mang trễ một bên vai. Cô bước xuống, đặt chiếc túi dưới chân mình, tròn mắt ngó sững vào Hiệp. Nét sợ hãi còn phảng phất trên khuôn mặt đỏ hồng, pha chút giận dữ. May mắn, lúc ấy hành khách trên xe đã xuống sắp hết. Cô gái bước đến bên Hiệp.
-          Cô về đâu, lên xich lô tôi chở cho.
Hiệp trao chiếc túi cho cô gái, nói nhẹ nhàng. Anh nhìn cô như cô như cầu cứu, hi vọng đây là người khách cuối cùng của chuyến xe, mà anh có thể tìm được một cuốc. Nét sợ hãi dần tan biến, cô gái vén lại mớ tóc dài, bết mồ hôi hai bên thái dương. Giọng cô dịu dàng:
-          Từ đây xuống đường Lê Lợi có xa không hở anh ?

Một ý nghĩ chợt trổi dậy trong Hiệp.  Hẳn cô gái này không ở Mỹ Tho? Đây là dịp may cho giới xich lô: họ sẵn sàng trả lời “xa lắm cô ạ!” và thẳng tay “chém” một phát thật ngọt. Chính Hiệp đã từng làm việc đó một cách rất  “nghệ thuật”… Không hiểu sao đứng trước cô gái này, ý nghĩ đó vừa thoáng qua đầu, anh cảm thấy lúng túng.

Cô gái có khuôn mặt không đẹp lắm, nhưng khả ái. Nước da màu sậm, chiếc mũi cao. Đôi mắt đó nhìn vào ai, người ấy không thể nói dối. Hiệp đáp khẽ:
-          Cũng gần thôi cô.
-          Chừng bao nhiêu hở anh?
-          Khoảng hai cây.
-          Không, tôi muốn hỏi bao nhiêu tiền kìa.
Tự nhiên Hiệp cười buồn:
-          Cô trả bao nhiêu cũng được.
Cô gái nhìn anh ái nại, nói bằng giọng thật nghiêm túc:
            -    Tôi hỏi thật. Anh nói dùm, nếu đủ tiền tôi sẽ đi. Còn không, tôi ráng cuốc bộ. Tôi từ Sài Gòn về đậy chỉ còn ít tiền thôi.
Hiệp bước lại chiếc xích lô, nắm mỏ xe kéo mạnh về phía trức:
-          Cô cứ lên, tôi đưa cô đến đó. Tiền nong, cô còn bao nhiêu, tôi lấy bấy nhiêu, không sao đâu.
Và anh xách chiếc túi to của cô gái đặt lên xe. Hiệp tự hỏi lòng: “Cá mập” bấy lâu ngự trị trong người mình, nay bỏ đi đâu? Anh cũng không hiểu sao hôm nay mình thay đổi thế, dù biết rằng, đời sống thực mình rất cần tiền, vì mẹ mình, em mình gian khổ quá..
Cô gái bước lên xe, anh bắt đầu xóa nhòa những suy tư vớ vẩn. Chiếc xich lô lướt đi, gió thổi bạt mái tóc của  cô gái về một bên, nhấp nhô như gợn sóng, trước đôi mắt mờ đục bởi mồ hôi của Hiệp. Những vườn cây hai bên đường sum suê lá xanh vầy bụi đỏ, lần lượt lùi về phía sau..
Phía trước, xa xa là ngọn tháp của ngôi chùa cổ hiện lên rõ nét. Hiệp biết chắc nơi đó có chiếc cổng màu mè, đập vào mắt  mọi người với hai câu  đối sơn son:
    “ Trần thế mịt mù trăm năm đầy tội,
       Cửa thiền thanh tịnh muôn kiếp nên duyên….”

Nhiều lần qua lại, Hiệp nhếch môi cười thầm, tự hỏi: Có thật thế không?! Nghe nói, bà ngoại Hiệp ngày trươc, lúc về già đã vào chùa ăn chay niệm Phật. Bà lại chết vào một buổi chiều mưa lâm thâm, khi thấp hương ở cái am nhỏ dưới cội Bồ đề, bởi bà đã dẫm nhầm con rắn hổ ba khoan. Rồi cuộc đời người con gái của bà –mẹ Hiệp- phải gánh chịu biết bao truân chuyên, sóng gió. Đầu óc Hiệp nghĩ miên man, những khoảng đời đen tối thoắt ẩn, thoắt hiện… Hiệp vẫn gò lưng đạp. Bỗng chiếc xe dằn mạnh, chao nghiêng. Hiệp giật mình kềm chặt tay cầm, nhưng không kịp nữa rồi. Bánh xe đã lọt thỏm xuống ổ gà, đuôi xe quay nghiêng, hất mạnh anh xuống con  lộ đầy đá lởm chởm. Hiệp không thấy đau, anh bật ngay dậy, kéo xe cho thăng bằng. Anh ngượng  ngùng:
-          Xin lỗi cô, cô có sao không? tôi lỡ vô ý quá!
Nét hốt hoảng còn hằn đọng trên gương mặt cô gái:
-          Anh làm tôi hết hồn!
Cô gái khoác túi xách, định đứng dậy, chợt …“xoạt”! một tiếng khô đanh:
-          Trời ơi! Xe anh làm sao vậy? Cô gái đỏ mặt.
Đang lúi húi nắm mỏ xe kéo lên, Hiệp ngẩng nhìn, bàng hoàng: chiếc áo sơ-mi trắng của cô gái bị rách toạt một đường vai, lộ khoảng da bị trầy – đỏ ửng.  Hậu quả của sợi kẽm buộc mui, lúc dằn mạnh bị đứt bung ra… Hiệp thở dài, vừa buộc lại sợi kẽm, vừa chạnh nghĩ “thì ra, trước cổng chùa thanh tịnh mà một phút mình cũng vô duyên”. Hiệp  rất bối rối:
             - Cô bỏ lỗi cho. Hôm nay mười sáu, trước cổng chùa, không hiểu sao tôi xui xẻo quá.
Cô gái một tay che vai áo rách, đôi mắt buồn buồn mà vẫn bật cười trước câu nói của Hiệp:
-          Lộ này nhiều ổ gà, chắc anh đau lắm ?
Hiệp cảm động, không trả lời. Cô gái bước lên. Chiếc xe tiếp tục lướt đi. Có khoảng im lặng xa vời giữa hai người. Hiệp phá bầu không khí ngột ngạt:
-          Chắc cô không phải là người thành phố này?
Giọng cô gái trở lại bình tĩnh, nhẹ nhàng. Cái giọng nói làm người nghe cảm thấy yên tâm, thanh thản:
             -  Trước gia đình tôi ở Vàm Láng, sau dời về thị trấn huyện tây. Xe cộ dạo này khó khăn quá, ra xa cảng đứng xếp hàng từ sáng mãi giờ mới đến đây. Tôi muốn ghé nhà nhỏ bạn ở Mỹ Tho. Thành phố này, thỉnh thoảng tôi vẫn ngồi xe đi qua, nhưng không rõ đường xá lắm. Anh người ở đây chứ?
             -  Tôi sinh đẻ ở đây, nhưng nếu không có chiếc xích lô này, chắc tôi cũng không biết mấy đâu. Gia đình tôi ở tít mù trong xóm lao động nghèo. À! Mà nhà của bạn cô số mấy? tôi đưa cô đến đó, khỏi phải tìm. Cô tên gì vậy, tôi hỏi thế có phiền không?
              Thấy cô gái cởi mở, Hiệp nói năng tự nhiên, Hiệp cũng chẳng hiểu tại sao mình lại đi khoe cái nghèo trước một cô gái lạ mà không thấy ngượng, rồi còn quan tâm đến tên tuổi người ta nữa… Anh nghe cô gái cười khúc khích:
             -  Nhà bạn tôi ở, số có “sẹc” nhiều lắm, nghe nói phải vào hẻm. Tôi tên Ngọc Hiếu. Còn tên anh?
             - Tên cô đẹp lắm. Tôi là Hiệp, mà là Nghĩa Hiệp nữa kìa. Với cái tên ấy mà cả đời tôi chẳng cứu giúp gì cho ai cả, cứu giúp bản thân mình mãi còn không xong.
             Hiệp bỏ lững câu nói, mĩm cười chua chát. Cô gái lại đùa:
-                    Còn trẻ mà anh nói chuyện nghe bi quan quá. Anh đưa giúp tôi đến địa chỉ trên, là anh đã cứu giúp tôi rồi đó.
 Hiệp cười:
-          Cô yên tâm, tôi sẽ đưa cô đến tận nơi
Chiếc xích lô vừa trờ tới ngôi trường cũng đúng giờ tan học. Những cô cậu học sinh túa ra đường, tạo không khí huyên náo. Xe đạp, xe Honda nhởn nhơ lượn vòng, để lại phía sau không khí đầy bụi khói… Nhớ lại thân phận mình cũng là học sinh, Hiệp nghe trong lồng ngực dội lên những nhịp tim đau thắt. “Tại sao trong cuộc đời lại có những kẻ sang, người hèn đến thế?!” Rồi anh tự hỏi: Trong số những người đồng tuổi, đang tan học chiều nay, sẽ có mấy ai về nhà vừa vứt cặp, lại vội vã đi gánh nước mướn, hay đạp xích lô… như mình?
Qua ngã tư, Hiệp vẫn gò lưng đạp, đôi mắt luôn gắn trên những biển số bên đường. Chợt anh cho xích lô dừng lại trước con hẽm nhỏ.
-          Tới rồi cô.
Cô gái giật mình, quàng chiếc túi nhỏ lên vai, thận trọng bước xuống, như sợ sẽ còn sợi kẽm thứ hai níu giữ.
-          Cảm ơn anh.
Cô gái móc hết xấp tiền nhỏ còn lại trong ví đưa cho Hiệp:
-          Anh cầm giùm. Nếu thiếu, hi vọng về lần sau tôi sẽ gặp lại xe anh…
Thấy cô gái ngượng, Hiệp vội nói nhanh:
-          Thôi cô cất tiền đi, tôi không lấy đâu.
Như hiểu được ý nghĩ trong đầu Hiệp, cô gái mĩm cười:
-          Sao lại thế? Chuyện xảy ra là do xui xẻo mà, chứ cả anh và tôi, đâu ai muốn như vậy
Cô gái úp bàn tay nhỏ nhắn của mình vào chỗ vai áo rách, cố tình nhấn mạnh hai chữ “xui xẻo” của Hiệp lúc nãy.
-          Anh cầm đi.
Cô đặt cả cuộn tiền vào tận tay Hiệp. Chỉ thoáng nhìn thôi, Hiệp biết chăc số tiền ấy sẽ không ít hơn một cuốc xe thường lệ từ ngoài bến vào đây. Hiệp ấp úng:
-          Cô, cô Hiếu…
                         Cô gái mĩm cười, nhìn lên biển số đầu hẻm, reo vui:
-          Đúng, đúng rồi anh à! Nhà cô bạn chỉ cách đây mấy căn thôi. Tạm biệt anh nha.
Cô chưa bước đi vội, mà còn nhìn anh lưu luyến:
-          Chúc anh vui ve.  Hẹn gặp lại.
Hiệp gật đầu như cái máy. Cô gái quay người, bước vào hẽm nhỏ rồi khuất sau cánh cổng  màu xanh. Hiệp đừng tần nhgần, bối rối. Phút giây hiện tại, anh thoáng thấy tâm hồn mình chao nghiêng… như vừa đánh mất một cái gì… không giải thích được. Nỗi buồn man mác dâng lên trong anh, như một vệt rán chiều nhàn nhạt, nhưng bắt người ta không thể không nhìn. Hiệp chẳng đếm lại số tiền, anh nhét vội nó vào túi quần rồi lên xích lô, thả tà tà.

Mặt trời chìm dần. Đường phố dấy lên màu sáng dịu dàng, tựa như ánh nắng được lọc qua tấm kính mờ. Nắng còn sót lại trên những ngọn cây xanh lấp lánh. Gió vun vút tràn vào lòng phố. Gió mát rười rượi như thể mang cả hơi thở của dòng sông, kinh rạch, ruộng đồng đổ về, làm nét mặt những người đi lại trên phố trở nên thư giãn. Hiệp mơ màng nhìn không gian  phía trước, anh tự nghĩ: Tại sao mình lại sinh ra và lớn lên trên quê hương thống khổ này, và trong một gia đình bần hàn, cơ cực?... Đó là câu hỏi, Hiệp đã đặt ra cho mình từ thời thơ bé. Sau này lớn lên, anh thường cưu mang suy gẫm nó vào những đêm khuya trằn trọc.

Người ta thường ví anh em Hiệp như như loài trái chín dú. Hiệp lại cho anh em mình gần như loại trái chín rơi. Bởi chỉ có loại trái xanh chua, xấu xí, người ta mới bỏ rơi, vứt bừa nó vào xó bụi. Đẻ rồi ngày tháng qua mưa gió cuộc đời mặc tình dùi dập, chịu không nỗi – từ màu xanh, nó chuyển sang màu vàng – nghĩa là nó chín. Không ai nâng niu chăm sóc. Có khác chăng là anh em Hiệp còn gánh nổi những đắng cay cuộc sống. Bởi trong sự nhạt nhẽo của tình đời, anh em Hiệp còn được ủ trong tình thương bao la, ấm áp của người mẹ hiền. Dù bấy lâu hình ảnh cuộc đời của mẹ là hình ảnh ráp nối bởi biết bao hình ảnh nham nhở, khắc khoải, què quặt khác.
 
                                        *
                                      *   *



   TẬN CÙNG TRONG THÀNH PHỐ NHỎ NÀY LÀ KHU NHÀ LỤP xụp, nó nằm chếch về hướng Bắc. Chung quanh, vây bọc những ao chứa đầy nước. Thứ nước xanh xanh đóng ván rêu, tích lũy lâu ngày xông lên mùi ẩm mốc rất khó chịu. Trước đây nó là khu nghĩa địa nối dài với một bãi rác, mà chế độ cũ, lũ trẻ con thường đến tranh nhau bươi móc những lon bia, thịt hộp dư thừa của bọn Mĩ vứt đi. Người có điều kiện, chẳng ai thích ở vùng này. Người ta nói: đất ở đây rẻ hơn bèo. Chính trong sự tạp nham đó đã có biết bao chuyện người thành phố nhắc đến, thường với thái độ e dè cộng thêm sự khinh miệt.

Sau cái nóng bức người, cả khu nhà rộn lên chuẩn bị cho buổi chiều và tối. Tiếng chuông xích lô leng keng, tiếng lộc cộc của xe ba gác trở về. Tiếng rao hàng ế ẩm của con bé bán xôi chè. Tiếng ném đồ rổn rảng của đôi vợ chồng đang gây lộn. Tiếng roi vọt của người mẹ đánh con, sau những lời chửi bới liên tục…
Tất cả là âm thanh quen thuộc của xóm lao động nghèo. Có khuôn mặt gầy, vàng úa vừa thoáng qua khung cửa như cành lá chết. Một vài thằng bé trần truồng chạy nhong nhong, đùa trong hẽm nhỏ. Đôi ba con chó còm cỏi lần mò bên đống rác đầy ruồi nhặng…

Căn nhà của gia đình Hiệp nằm lọt thỏm giữa khu đất của những người cùng cực. Nó cũng điêu tàn không khác chi đời chủ nó. Hai vách nhà xây bằng gạch, chưa kịp tô, rêu xanh đóng lỗ chỗ, trông như những hình thù kì quái. Trước đây ngôi nhà được lợp bằng tôn, lúc ba Hiệp chết – gặp những ngày kiệt quệ của gia đình, hai anh em Hiệp còn bé -  mẹ đã giở lớp tôn ra bán. Bao năm qua rồi thay bằng xác lá mỏng manh, mưa nắng không ngừng trút xuống mái nhà xơ xác. Mẹ lấy ni-lông hay bìa cứng cố bồi cậy vào những chỗ dột nát, như cố bám víu vào mảnh đất tanh hôi này mà sống.

Hiệp bước vào nhà.
            Ngôi nhà tranh tối tranh sáng, thằng Hải xoay trần ngồi thu lu bên bếp lửa, nghêu ngao hát. Thỉnh thoảng nó chu miệng đưa vào tận bếp, thổi phù phù. Khói bay mù mịt. Nghe tiếng động, nó quay lại:
-          Ý, anh hai về! Hên quá.
-          Gì mà hên, sao nấu cơm khói mù trời vậy?  Hiệp hỏi.
             -  Tại củi ướt quá. Anh hai ơi – Hải chỉ vào mớ rau muống trong rổ đang lặt dỡ, nói:
-          Lặt dùm em đi. Đang làm nửa chừng thì nồi cơm sôi nè.
Hiệp ngồi sà xuống bên mớ rau, anh hỏi:
-          Sao hôm nay mẹ về muộn quá hở Hải?
-          Em cũng chẳng biết nữa, chắc là mẹ ghé chợ mua luôn thức ăn chứ gì.
Nghĩ tới mẹ, cả ngày với quang gánh trên vai, kĩu kịch hàng chục chuyến: nào khóm , khoai, dưa, dừa, chuối… các thứ, từ dưới ghe lên vựa, hoặc ngược lại. Hiệp nghe nao lòng. Bất chợt nhìn ra cửa, Hải reo lên:
-          A, mẹ về kìa!
Bà tư – mẹ Hiệp – tay cầm chiếc xách đệm nhỏ te tái bước vào nhà. Bà cười bằng tia mắt ấm áp. Hình như bao nhiêu mệt nhọc của một ngày làm thuê, bà đã vứt lại dọc đường.
-          Con nấu cơm đó hở Hải? Hiệp về lâu chưa con?
-                    Con mới về. Sao hôm nay mẹ về muộn vậy? Con định lặt phụ em hết mớ rau này rồi đi đón mẹ đó.
Đang soạn những con cá lù đù ra rổ, bà tư ngẩng lên:
-  Chiều nay có ghe bưởi miệt trên xuống nhiều hàng quá, gánh xong rồi mẹ còn ghé qua chợ nữa. Thức ăn bữa nay hết sớm, chỉ có mấy con tép mòng tép muỗi mà mắc hết biết. May mà còn được mớ cá này.
Nói đoạn, bà cầm rổ cá và con dao đi ra sàn nước. Hiệp vội ngăn lại, cười tủm tỉm:
             -  Mẹ ơi! để con làm làm cá cho. Mẹ sang nhà bác năm mượn dùm con chiếc kềm.
Bà tư nhìn con, cười như dò xét:
             -  Muốn qua thì qua thì qua cho rồi, còn bày đặt. Tao về thấy con Mai còn bán thuốc ngoài đầu hẽm, nhà còn ai đâu. À, mượn kềm chi vậy con?
- Tại hôm nay con muốn nấu cơm hầu mẹ, chớ có Mai ở nhà đi nữa con vẫn cứ qua thôi. Mẹ mượn dùm con, để về buộc lại mui xe.
-Chà, tội nghiệp con trai tôi hiếu thảo từ lúc nào vậy? mà xe bị sao hở con?
Hiệp nhớ lại cái vai áo rách của cô gái, anh cười bẽn lẽn:
-                    Mẹ ơi! tưởng cuốc xe chiều nay từ bến về chợ đã đi toi rồi và còn thường cả áo cho người ta nữa. Hên sao, cô này cũng dễ tính.
-          Con làm thế nào mà nên nỗi vậy? Mẹ Hiệp sững sốt.
-                    Con bị sụp ổ gà. Xe dằn mạnh quá nên kẽm trên mui bung ra, móc vào áo cô ta làm rách một đường. Nhưng…
-          Nhưng thế nào hở con? Bà tư sốt ruột. Hiệp gãi gãi đầu:
-          Cô ấy đã thông cảm, mẹ ạ!
Hải, hai tay đang bưng soong nước chuẩn bị luộc rau, nó đặt cái soong xuống đất. Một tay ướt quẹt vào đít quần, một tay gạt mồ hôi trên trán, bước đến nghiêng ngó nhìn vào mặt Hiệp. Hiệp ngượng nghịu, gắt:
-          Gì vậy Hải?
-          Chà, sao em nghi qua! Chị ấy có dễ thương lắm không anh hai?
-          Hải, con nói cái gì lạ vậy?
Bà tư lườm đứa con út, nhưng nó vẫn tinh nghịch:
             -  Chứ mẹ xem ngày thường thì sao không chi cả. Cái gì hôm nay chở “người đẹp”, lại ban xuống ổ gà, cho rách áo người ta? Không bị hớp hồn thì là thế nào? À! Thôi em hiểu rồi, không chừng lại cái kiểu:
          Thương nhau ‘rách áo’ cái mà cho nhau,
             Về nhà, về nhà dối mẹ… ứ…ư…”
-          Thôi đi. Con nít mà biết gì. – Hiệp nạt em.
Hải nheo mắt, le lưỡi: “Chứ không phải à?”
             Hải lẹ làng bê soong nước đi thẳng xuống bếp. Bà tư trao con dao và rổ cá cho Hiệp, dặn:
             -  Ráng cẩn thận nghen con. Đi một ngày chẳng bao nhiêu, mà lỡ để thường bồi thì khổ lắm.
-          Dạ.
-          Cá làm xong, con để đó. Em luộc rau xong, mẹ về chiên cho.
-          Con chiên cho. Đã nói, hôm nay con phục vụ mẹ mà!
-          Ôi thôi con ơi, để phần đó sau này phục vụ lại vợ con của con.
             Hiệp cười to:
-          Chắc con ở vậy tới già quá mẹ ơi.
-          Úy trời! nói gì vậy con?
Nghe Hiệp cười nói, bà tư mũi lòng. Hơn ai hết, bà thấu hiểu tâm can từng đứa con.Hiệp sinh ra trong một gia đình nghèo lại còn tay trắng, nên không dám mơ mộng tương lai. Bà hiểu Mai – con bác năm thợ mộc hàng xóm – “sáng người đẹp nết” có ý thương Hiệp, nhưng vì hoàn cảnh, nên Hiệp đành ngó lơ.
Mặc dù quí mến Mai, song bà không dám nhắc nhở, sợ con tủi thân. Bà nói chuyện với hàng xóm: “bằng tuổi nó, lắm đứa ăn chơi, cặp bè cặp lũ gái trai này nọ. Thằng Hiệp nhà tôi, nó chí thú học hành…”.  Thương con, bà cũng mang nỗi đau cùng con. Bà bước nhanh ra cửa mà nghe đau thắt lòng. Đi được vài bước, như chợt nhớ ra điều gì, bà dừng lại, cho tay vào túi áo trong và gọi:
             - À, Hiệp ơi!. Hồi sáng này lúc tụi con đã đi rồi, ông phát thư đến đưa thư này cho con, mẹ không biết ai gởi. Đọc, coi có chuyện gì không con.
Hiệp đón lá thư còn đậm hơi ấm của người mẹ. Nhìn lướt qua phong bì, tim anh đập dồn dập. Hiệp luống cuống bốc vội ra. Tay anh run run cầm mảnh giấy nhỏ. Với anh – đây là cả sự thật khôn lường. “Đời ta đã thăng hoa rồi sao?”. Hiệp tự nghĩ. Người mẹ theo dõi từng cử chỉ của con, kinh ngạc:
-          Gì vậy con?
-          Mẹ ơi, con đậu vào Đại học rồi.
Giọng Hiệp như lạc đi. Không kềm lòng, anh ngã nhào ôm chầm lấy mẹ>. Người mẹ như chưa tin hẳn vào đôi tai mình, bà hỏi lại:
-          Con vừ nói gì? Đậu Đại học rồi à?
-          Dạ, con đậu rồi mẹ ơi. Thư báo nè!
-          Ơn Trời Phật! Phải chi ba con còn sống…
Người mẹ nghẹn ngào, không nói tiếp được. Chỉ còn dòng lệ long lanh nơi khóe mắt……..

(  MẤT HAI TRANG…)

….Cái thứ hòm nhà binh để tử thi lâu ngày, trong đó xì ra cái mùi chẳng thể nào ngửi được. Ba Hiệp đã trở về gia đình trong cái chân dung như thế. Rồi người ta cũng vội vã tẩn liệm, cũng như vội vã mang ông đi trong ngày. Hiệp không nhìn được mặt ba anh lần cuối. Vì nếu nhìn, anh cũng không thể nào nhận ra cái thi hài nát bét, nhày nhụa. Tất cả với cái tuổi thiếu niên mười hai, anh chỉ hiểu: Ba đã không còn nữa.
Để đền bù cho sự tổn thất của gia đình, người ta đã thí cho mẹ con anh một số tiền. Chẳng bao lâu số tiền ấy cũng bỏ mẹ con anh, chạy theo lũ Ngân hàng vào năm bảy mươi lăm.
Ba anh mất đi, di sản chẳng để lại anh một cái gì, ngoài mảnh giấy chứng nhận “Cô nhi”.  Vì vậy, mấy năm qua anh phải lao ra đường phố bằng chiếc xích lô, dọc ngang trên những con lộ đã nham nhở này.
Với Hiệp, vỏn vẹn còn một niềm vui – là được đi học. Đó cũng là hoài bão cuối cùng của mẹ anh. Cuộc đời bà từ thơ bé nỗi đau luôn đeo đẳng không rời, nên mẹ anh rất ít nói.  Có lẽ nỗi day dứt bởi hai con thơ nheo nhóc luôn ám ảnh, nên làm mẹ uất nghẹn, nhiều lần Hiệp nghĩ thế! Sự uất nghẹn của người không câm, nhưng không nói được.
Dạo trước lương thực còn khó khăn, mẹ phải chạy vay ăn từng bữa. Ban đầu, sáng trước khi đi gánh nước mướn, mẹ còn thức dậy nấu đôi bát cơm: phần cho cả ba mẹ con, sau đó anh và Hải đến trường. Lần lần Hiệp thấy phần cơm vơi dần và mẹ lại nhịn.    một bận thấy em Hải ăn chưa no, mẹ nhìn em, đôi mắt rớm nước rồi lẳng lặng quay đi, đôi vai như quằn xuống.  Từ đó, mỗi sáng bưng chén cơm ăn, anh bỗng nghe trong trái tim nhỏ nhoi của mình có muôn vàn vết cứa. Và rồi em Hải cũng nhận ra điều ấy, hai anh em cùng nhìn nhau, bốn mắt mờ lệ.  Cũng may, sau đó mẹ anh xin được một chân gánh nước mướn cho nhà vựa…

Ba đã chết. Mẹ con anh nheo nhóc bơ vơ, năm tháng mẹ chôn nỗi buồn vào đôi vai chai cứng, bởi trĩu nặng gánh hàng, cũng như những đau khổ của cuộc đời trì kéo.  Có lẽ vì thế mà bà muốn con mình phải được học. Học để thoát khỏi cuộc sống tối tăm.
Chào đời trong hoàn cảnh gia đình như thế, nên suốt tuổi ấu thơ của mình, Hiệp không biết mơ mộng trăng sao, hoa bướm. Ngoài chuyện lúc thì bán báo, lúc bán cà rem, lớn lên một chút lại cùng chiếc xích lô vào đời xoay sở tìm miếng sống giúp mẹ, thì Hiệp dốc tâm vào chuyện học. Học để đáp đền công ơn mẹ. Nhất là những ngày tháng cuối cùng của bậc Phổ thông Trung học, Hiệp thức ôn bài khuya sớm, mẹ cũng ít ngủ. Lúc trời nóng bức, mẹ lặng lẽ pha cho Hiệp ly nước chanh, trời trở gió se se, mẹ khuấy cho anh li trà đường… Nhờ đó mà Hiệp đã vượt qua những cơn buồn ngủ ngặt nghèo, đủ tỉnh để đương đầu với mùa thi
Tháng năm qua biết bao phen trầy trụa với cuộc đời, nhưng mẹ vẫn cắn răng không có lấy một câu than vãn.  Mẹ thường khuyên anh: nếu gặp bất cứ con thú độc nào của cuộc đời, dù lớn hay nhỏ, cắn đau hay cắn hụt – thì đừng nên kêu cứu vội, mà hãy dũng cảm tự mình sáng suốt tìm phương cứu chữa…Hình như vậy, nên mẹ anh đã âm thầm trải thân làm lụng để nuôi con ăn học. Nghĩa là mẹ tự tìm cách cứu chữa lấy đời con mình. Chỉ tiếc rằng em Hải còn ít tuổi mà sớm lông bông, chưa hết cấp hai đã nghỉ học để tập tành ca hát.

Từ chập tối ăn cơm xong, mang nỗi vui ngập lòng, điều đó hình như chưa bao giờ đến với Hiệp, nên anh lang thang một mình với những ý nghĩ vẫn vơ. Chân Hiệp cứ bước mãi dưới trời sương lành lạnh. Một chiếc xích lô nào đó về muộn vừa lướt qua anh, lạc lõng tiếng chuông leng keng… Bỗng Hiệp giật thót người, anh thấy… tự bao giờ, mình đã đứng trước con hẽm nhỏ - nơi cô gái xuống xe ban chiều.  Hiệp chợt mĩm cười vu vơ. Lòng bồi hồi, anh thầm nhủ: “Ước gì được gặp cô ấy lần nữa, để báo tin vui”.  Nghĩ rồi, Hiệp bỗng tự thấy xấu hổ, anh quày quả quay lưng, rảo bước.  Không hiểu sao tự dưng hai câu thơ ai đó, đối với anh lúc này thật có ý nghĩa. Anh thì thầm:
       “Người đâu gặp gỡ làm chi,……”

        

            Để rồi từ bấy đến nay đã gần ba năm, cuộc đời Hiệp trải qua biết bao biến cố đau buồn….
Một cái véo vào vai đau điếng, khiến Hiệp giật nẩy người, cắt đứt dòng hồi tưởng. Hiệp nhìn lại, Hoàng Lan đã ngồi giữa anh và Đạt tự lúc nào.
-          Anh Hiệp mơ mộng gì dữ vậy?
Câu hỏi bất ngờ của Hoàng Lan, làm Hiệp bối rối:
-          Hoàng Lan đã hết tiết mục rồi sao? Hình như em tới hai….
-          Trời đất! anh Hiệp nói cái gì vậy?
Hoàng Lan ngạc nhiên, xoay qua hỏi Đạt:
-          Bộ anh Hiệp nãy giờ ngủ gục hở anh tư?
Hiệp hết sức ngượng ngùng, khi nghe Đạt trả lời em gái:
-          Làm gì, anh thấy nó say sưa dán mắt vào sân khấu mà.
Hoàng Lan ngúng nguẩy:
-          Sao ảnh hỏi em một câu trớt quớt vậy?
Hiệp trấn tỉnh, anh vội thì thầm vào tai Hoàng Lan:
-          Anh đùa cho vui, chứ đang chăm chú nghe nhỏ hát, hay lắm.
Hoàng Lan “xí” một tiếng:
-          Ông anh lại nịnh rồi.
Hiệp mĩm cười cầu hòa, rồi như không thể ngừng được nữa, anh quay sang Hoàng Lan, hỏi nhỏ:
-          Lan ơi, phải Ngọc Hiếu hát lúc nãy, là người Tiền Giang không?
Hoàng Lan nói như reo:
               - À! Em quên nữa, chị ấy là đồng hương với anh đó. Nhóm thực tập của chị vào gồm bốn nam ba nữ, chị cũng ở kí túc xá cạnh phòng em mà, dễ thương lắm. Anh Hiệp cũng quen chị nữa sao? Một chút hết chương trình, em gọi chị giới thiệu với các anh. Gặp đồng hương tha hồ vui anh nhé.
               Hoàng Lan nói một mạch, Hiệp nghe mặt mình nóng rân và trống ngực đập liên hồi.


                                                            *
                                                         *    *

               CHÍN GIỜ BA MƯƠI CHƯƠNG TRÌNH VĂN NGHỆ KẾT THÚC.
Mọi người lần lượt đứng dậy ra cửa. Hoàng Lan đưa chiếc chìa khóa cho Đạt, dặn:
-          Nếu các chị chưa xuống kịp, anh tư cứ mở cửa phòng dẫn xe. Hai anh đợi em ở căng tin một tí nha.
Như con sóc nhỏ, dặn dò hai ông anh xong, Hoàng Lan thoắt  “biến” vào đám đông đang tả mát khắp sân. Đạt nhìn theo bóng em gái, lắc đầu mĩm cười:
-  Cái con nhỏ khỉ thật.
Trong khi lòng Hiệp nao nao một nỗi niềm khó tả.
             -  Cứ ngỡ các cô cậu này chỉ biết tố cáo rồi bào chữa thông qua các bộ luật khô như ngói, nào ngờ cũng mượt mà phong phú như ai. Mang tiếng, chứ có khi bọn “Văn” tụi mình chưa chắc làm nổi một chương trình đa dạng và đặc sắc như vậy. Giọng Đạt sôi nổi.
             Đôi chân Hiệp thả đều, chầm chậm trên lối đi đầy sỏi, song song với Đạt, nhưng đầu óc anh mênh mang, mênh mang… Bây giờ nghe bạn nói, Hiệp thấy ngường ngượng, bởi trọn chương trình anh có xem được gì đâu… Hiệp cũng gật đầu và ậm ừ với bạn cho qua chuyện…

             Vừa bàn công chuyện với anh nhóm trưởng xong, Ngọc Hiếu trở về phòng định thay áo dài, thì Hoàng Lan tới cửa. Các bạn cùng phòng reo lên:
-          Kìa, hôm nay Hoàng Lan thành công quá.
-          Không những thành công mà còn xinh nhất trường nữa cơ.
Hoàng Lan lúng túng:
-          Eo ơi, các chị đừng khen em, mắc cỡ lắm.
Hoàng Lan cất tiếng gọi:
-          Chị Hiếu đâu rồi? Chị Hiếu ơi!
             Trong phòng, Ngọc Hiếu vừa mở khuy áo cổ, cô vội cài lại, quay ra mĩm cười, hỏi:
-          Tìm chị, có chi không Lan?
Để trả lời câu hỏi của Hiếu, nụ cười Hoàng Lan tươi hơn đóa hồng chớm  nở. Cô bé nói với cả phòng:
             - Các chị ơi, cho phép em bắt cóc chị Hiếu chốc lát nhé. Hứa sẽ trả lại an toàn một trăm phần trăm.
-          Lấy gì làm tin?
-          Em sẽ thế một ông anh thật “bô trai”.
Cả phòng cười ồ. Hiếu nói với Hoàng Lan:
-          Đi đâu vậy? chờ chị rửa mặt, thay đồ một chút nha.
-          Không được, phải đi ngay thôi chị à!
Nói xong, Hoàng Lan chào cả phòng, rồi nắm tay Ngọc Hiếu, bước ra cửa.
-          Đến căng tin uống nước với em một tí chị nha.
Hiếu không từ chối. Cũng như các bạn trong  nhóm văn nghệ, Hiếu quí mến tính vui vẻ trẻ trung của Hoàng Lan. Hai người con gái thong thả rẽ vào phía căng tin.
Sân trường ban chiều nhộn nhịp, huyên náo, dày đặc bóng người – bây giờ vắng lặng. Cả một ngày trải qua nhiều cuộc vui ngoài trời, tiếp theo là đêm văn nghệ. Có lẽ giờ này mọi người đã thấm mệt. Trong quán lác đác vài người ngồi tán gẫu.
Ngọc Hiếu rất đổi ngạc nhiên nhìn mấy chiếc bàn trống trải, buồn thiu… sao Hoàng Lan không ngồi, mà lại đưa cô đến một bàn ngoài sân đã có hai thanh niên. Biết Hiếu đang phân vân, Hoàng Lan nhanh nhẹn:
             - Ngồi đi chị Hiếu. Em xin giới thiệu: Đây là anh Đạt – anh kế của em, anh đến trường này thường xuyên để đón em.
Hướng về phía Hiệp, Hoàng Lan reo vui:
-          Dạ, còn đây là anh Hiệp, bạn thân và cùng lớp với anh Đạt.
Vẫn thấy Hiệp ngồi lặng thinh, Hoàng Lan tiếp:
             - Ủa, hình như lúc nãy anh Hiệp nói là đồng hương, đã quen chị Hiếu rồi kia mà. Sao… ? các anh mời chị Hiếu đi chứ….
Hoàng Lan nói chưa dứt câu, Đạt đã mĩm cười, ân cần mời người bạn mới. Lúc đó Hoàng Lan kịp bắt gặp đôi mắt trong veo của Ngọc Hiếu sững sờ nhìn Hiệp với nỗi ngạc nhiên vừa tròn.
Hai người cùng nhìn nhau. Ngay tức khắc cô bé đã biết: Cả hai đều bị chinh phục. Họ bị chinh phục hoàn toàn.
Hiệp nghe như có dòng điện mãnh liệt đang xâm chiếm cơ thể mình, làm anh tê dại. Và hình như dòng điện kia cũng chuyển sang Ngọc Hiếu, khiến đôi mắt cô bắt đầu dịu lại, chớp nhanh. Phải vài giây sau, Hiệp mới cất tiếng, nhưng giọng lạc hẳn:
-          Ngọc Hiếu ngồi xuống đi.
Cô gái ngoan ngoãn, ngồi xuống. Giống như Hiệp, cuộc hạnh ngộ bất ngờ, cô bồi hồi không kém. Cô nói bằng giọng run run:
-          Không ngờ đã ba năm rồi Hiếu mới gặp lại anh Hiệp!
Ngừng một tì, như để nén cơn xúc động, cô tiếp:
-          Chiều ấy, Hiếu về Mỹ Tho là sau chuyến đi thi từ Hà Nội. Sáng hôm sau nhỏ bạn đưa Hiếu ra bến xe để về thị trấn, Hiếu cứ nhìn quanh mãi… mà chẳng thấy anh Hiệp đâu.

             Đến bây giờ Đạt mới vỡ lẽ. Thì ra suốt buổi Văn nghệ này, cậu ta vẫn ngồi đó, mà hồn đã thả đi hoang ngay từ tiết mục “Hành khúc Ngày và Đêm”, nên mới hỏi nhiều câu ngớ ngẩn.
            Đạt đứng lên gọi nước, anh tủm tỉm cười một mình: Thảo nào, đầu năm thứ hai, trường tổ chức đi lao động ở một công trình của tỉnh Đồng Nai, trong lúc đào vét đất, Hiệp nhặt được một mảnh nhôm sáng lóa, xinh xắn bằng bàn tay. Hai tháng sau, Đạt vào trường cùng Hiệp ôn bài thi. Cứ thỉnh thoảng nghỉ giải lao năm phút, anh thấy Hiệp dùng que thép nhọn hí hoáy khắc khắc, đục đục trên đó. Mảnh nhôm hoàn chỉnh, là khuôn mặt người con gái, có mái tóc dài bay trong gió. Đặc biệt là đôi mắt to, như tất cả hướng về niềm tin phía trước…
            Mấy lần Hiệp lấy mảnh nhôm ra ngắm nghía, Đạt và bản bè vặn hỏi: “Ai là chủ thể khuôn mặt ấy?”. Hiệp chỉ cười cười: “Làm gì có, thấy mảnh nhôm đẹp, muốn khắc chơi thôi”. Và ai nài nỉ cách gì, Hiệp cũng vẫn không cho, mặc dù Hiệp nổi tiếng là người nhiệt tình và rộng rãi với bạn bè, nhất là trong việc học hành…

            Mãi đến lúc này, qua tia nhìn của hai người, Đạt mới nhận ra: Chủ thể của khuôn mặt đó, chính là Ngọc Hiếu – cô gái trước mặt mình – người vừa hát bài “Hành khúc Ngày và Đêm”. Đạt nhủ thầm: “Quả thằng này kín đáo thật !”.
           Bốn người ngồi trò chuyện khá lâu. Đêm trôi dần về khuya, sương sa xuống lành lạnh vai áo. Rất tâm lí, Hoàng Lan đề nghị:
             -  Ngày mai Chủ nhật, anh tư đưa anh Hiệp vào đây chơi. Tụi em sẽ chiêu đãi hai anh một bữa cơm nhà bếp.. Anh tư nhớ thưa dùm với mẹ: Tối nay em ở lạ trường nha.
Khuôn mặt Hiệp rất vui, anói dí dõm với Hoàng Lan:
             - Cơm nhà bếp chỉ lạ với Đạt, còn với anh – cơm nhà bếp đã quá quen, như quen hơi thở người tình.
Hoàng Lan bĩu môi:
- Gớm, hôm nay anh Hiệp làm Thơ?
Để hai người khỏi lúng túng, Đạt xen vào bằng giọng ân cần:
             - Nhóm của Ngọc Hiếu vào đây thực tập, chắc thời gian cũng không nhiều, thôi thì một lần làm phiền cô bạn vậy. Tụi này xin phép: ngày mai đến mời Hiếu đi chơi một vòng Sài Gòn nha.
Hiệp im lặng không nói, nhưng anh mừng như mở cờ trong bụng. Đúng là anh em Hiệp hết sức chu đáo. Hiếu chưa trả lời, Hoàng Lan đã chu miệng:
-
(CÒN TIẾP)



                  




                       .…..p không thấy đau, anh bật ngay ...xe quay nghiêng, hất mạnh anh xuống con  lộ đầy đá lỡm chỡm





Không có nhận xét nào: